MU có nên phá hủy Old Trafford?

“Nhà hát của những giấc mơ” đã xuống cấp nghiêm trọng và tụt hậu so với thời đại. Kế hoạch đập đi xây lại đã xuất hiện, song cũng có những ý kiến cho rằng Old Trafford là một di sản thiêng liêng cần được bảo tồn. MU thực sự đang đứng giữa ngã ba đường…

Không cần phải bàn cãi, Old Trafford là nhân chứng lịch sử của MU. Đây là nơi diễn ra những chiến thắng oanh liệt, những màn lội ngược dòng ngoạn mục, những trận cầu dâng trào cảm xúc và những chiến tích đoạt danh hiệu đã đưa tên tuổi CLB vươn ra toàn cầu. Đó là lý do vì sao mà Old Trafford được gọi với cái tên thật mỹ miều: “Nhà hát của những giấc mơ”.

MU đã từng không thi đấu ở Old Trafford trong 8 năm, sau khi khán đài chính bị phá hủy trong một cuộc ném bom của Đức vào khu công nghiệp Trafford Park gần đó ở năm 1941. Tuy nhiên, sân đấu này chưa bao giờ bị bỏ rơi, bởi người hâm mộ Quỷ đỏ luôn dành cho nó một tình cảm thực sự đặc biệt.

Đập đi thì dễ nhưng bảo tồn thì khó. Một khi phá hủy, Old Trafford – sân nhà của MU từ năm 1910 – sẽ vĩnh viễn biến mất. Nhiều ý kiến cho rằng “Nhà hát của những giấc mơ” không phải là bảo tàng, nó cần phải trở thành một sân vận động hiện đại. Dù vậy, thay vì đập đi hoàn toàn, MU nên kết hợp tu sửa với lịch sử của nó. Việc phá dỡ phải là giải pháp cuối cùng chứ không phải lựa chọn ưu tiên.

Tottenham, giống như Arsenal trước đó, có rất ít sự lựa chọn và Everton cũng vậy. Họ phải di chuyển đến một địa điểm khác. Nhưng Real Madrid đã thực hiện một cuộc lột xác đáng kinh ngạc ở Bernabeu, trong khi Barca cũng đang tái phát triển Camp Nou thay vì đập bỏ hoàn toàn sân đấu huyền thoại. Liverpool có lẽ là tấm gương sáng nhất để MU noi theo, sau những gì mà The Reds đã làm với sân nhà Anfield.

Liverpool đã trải qua quá trình tái thiết “thánh địa” của mình từng phần một cách ấn tượng, không phải là không có vấn đề nhưng đang gặt hái được những thành quả. Họ chẳng phải xê dịch một tấc đất nào hay đánh mất sự độc đáo của Anfield. Đây hẳn là giải pháp mà MU theo đuổi. Mọi thứ đang được bàn bạc kỹ lưỡng, và Quỷ đỏ được mong muốn phải giữ nguyên ý định đó cho đến khi nó được chứng minh bất khả thi.

Sân vận động bóng đá không phải là di sản nhưng chúng cần được trao địa vị đó trong thể thao. Tuy nhiên, nếu MU lựa chọn quay lưng với lịch sử để hướng đến một khởi đầu mới, một tương lai mới, Old Trafford liệu sẽ có diện mạo ra sao?

Theo báo chí Anh, MU đã liên hệ với Populous – công ty thiết kế kiến ​​trúc toàn cầu – về ý tưởng phá bỏ hoàn toàn và xây dựng một sân vận động mới trị giá 2 tỷ bảng. Cái tên Populous đã trở nên quá nổi tiếng trong thế giới thể thao chứ không riêng gì môn thể thao vua. Trong 30 năm kể từ dự án đầu tiên là sân John Smiths ở Vương quốc Anh, Populous trở thành đạo diễn của những sân đấu lừng danh trên khắp thế giới như Wembley, Principality, Emirates, Tottenham Hotspur, Centre Court của Wimbledon hay Narendra Modi ở Ahmedabad – sân cricket lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, không thể bỏ qua sân Lusail kỳ vỹ ở Qatar – nơi Lionel Messi cùng tuyển Argentina đã vô địch World Cup 2022. Christopher Lee, giám đốc điều hành của Populous, đã lấy ví dụ về sân Tottenham Hotspur của Tottenham: “Trọng tâm của thiết kế sân Tottenham là bầu không khí, cách tạo ra bản sắc trong một chiếc ghế ngồi. Daniel Levy và tôi đã dành rất nhiều thời gian để đi du lịch. Chúng tôi đi khắp nơi, thậm chí còn trơ mặt mượn những thứ chúng tôi thích. Không chỉ đến các địa điểm thể thao, mà cả phòng hòa nhạc, nhà hát. Có những thứ nhỏ nhặt từ khắp nơi được tập hợp lại trong sân đấu này”.

Theo thời gian, khán giả kéo đến sân vận động không chỉ để theo dõi các trận đấu bóng đá, mà còn cả tận hưởng và trải nghiệm. MU liệu sẽ chọn đi theo con đường nào?