Đừng ham chuyển nhượng nữa, MU!

MU là đội bóng chi nhiều tiền nhất trên TTCN trong 10 mùa giải gần đây. Nhưng hiệu quả từ những bản hợp đồng đắt giá lại không cao. Phải chăng đã đến lúc MU nên “chậm lại” trên TTCN . Theo thống kê từ Transfermarkt, MU là đội bóng có chi tiêu ròng lớn nhất trong 10 mùa giải gần đây, bao gồm doanh thu cùng với chi phí “đi chợ”, với con số đạt 1,29 tỷ euro. Tuy nhiên họ không vô địch Premier League trong vòng 1 thập kỷ và hay bị loại sớm Champions League. Kết luận được đưa đến: MU vung nhiều tiền nhất, nhưng hiệu quả thì thấp nhất.

Bây giờ, khi mùa Đông đến cùng với vị trí thứ 8 xấu hổ trên bảng xếp hạng, HLV Erik ten Hag lại bắt đầu đòi mua sắm để cải thiện thành tích. Nhưng nhìn 100 triệu Euro của Antony múa máy trên sân, nhìn 80 triệu Euro Jadon Sancho chuẩn bị quay lại Dortmund để cứu vãn sự nghiệp, thì ta cũng khẳng định rằng, Ten Hag cũng không khá hơn các tiền nhiệm về khoản chi tiêu.

Theo thống kê của CIES, Trung tâm Nghiên cứu Thể thao Quốc tế, thì MU cũng là đội bóng dẫn đầu về khoản “mua hớ” cho chuyển nhượng. Họ chi ra 1,59 tỉ euro để tăng cường lực lượng, thế nhưng theo định giá thì những cầu thủ này đem về chỉ có giá trị khoảng 1,35 tỉ euro. Và cái giá trị này tụt dần theo từng năm (ví dụ như Sancho, từ 80 triệu euro khi ở Dortmund, nhưng giờ chỉ còn 30 triệu euro).

Nếu mở rộng vấn đề về tiền bạc-giá trị này thì có thể đi đến kết luận: MU là “vùng đất chết” với các cầu thủ đã khẳng định được tên tuổi, và là nơi suy tàn của những tài năng trẻ. Bây giờ, dù MU có tung ra bao nhiêu tiền bạc nữa trong mùa Đông này thì mọi thứ chưa chắc đã đem đến thành công. Vấn đề của MU là phải thay đổi từ trên thượng tầng.

Vài hôm trước, ông chủ mới của MU – Sir Jim Ratcliffe – đã khẳng định tuyên bố: “Chúng tôi cam kết làm việc với tất cả mọi người tại CLB, hội đồng quản trị, nhân viên, cầu thủ và người hâm mộ, để giúp đưa CLB tiến lên. Tham vọng chung của chúng tôi rất rõ ràng: Tất cả chúng tôi đều muốn thấy Manchester United trở lại nơi chúng tôi thuộc về, ở đỉnh cao của bóng đá Anh, châu Âu và thế giới”.

Điều đầu tiên được biết mà Sir Jim Ratcliffe sẽ làm chính là “thay máu” cơ sở vật chất đã quá lạc hậu của MU so với các đối thủ tại Premier League, như sân Old Trafford và sân tập Carrington. Trái ngược với Manchester City tạo ra Trung tâm Huấn luyện City Football Academ, được đánh giá là “cơ sở tốt nhất trên thế giới”. Nhìn hàng xóm là thấy sự khác biệt thôi mà.

Một vấn đề khác cũng cần bàn, đó là truyền thống, bản sắc của CLB cũng cần định nghĩa lại. Đầu tuần này, thông tin huyền thoại Rooney bị CLB Birmingham sa thải chỉ sau 15 trận đã nối tiếp thành tích nghèo nàn của các học trò Sir Alex Ferguson trên băng ghế chỉ đạo.

Việc “minh sư” Ferguson không sản sinh ra “cao đồ” đã được nói nhiều lần. Nhưng qua những thất bại gần đây đã cho thấy Ferguson mạnh về quản trị, không mạnh về triết lý xây dựng đội bóng. Nếu cứ bám mãi vào triết lý Ferguson thì sẽ cầm chân các đời HLV sau, và khiến MU tiếp tục truy cầu những giấc mơ ảo vọng.

Sir Jim Ratcliffe nếu không tuyên truyền lại vấn đề này, thì MU sẽ vẫn là “vùng đất chết” của các cầu thủ lẫn HLV.