Thích nghi trong bóng đá khó hơn người ta tưởng. Cho dù đó là một quốc gia, giải đấu, đội bóng hay vị trí mới, việc làm quen với môi trường mới không phải như những cỗ máy, cứ cắm điện là chạy. Bởi chúng ta chỉ là con người và không phải ai cũng có được sự thích nghi ấn tượng như Erling Haaland ở mùa giải vừa rồi.
Bắt đầu bằng câu chuyện từ tiền đạo Mido, sau 18 tháng dưới dạng cho mượn tại Tottenham Hotspur, cầu thủ người Ai Cập đã nhận được cuộc gọi từ HLV đội bóng này, Martin Jol, không lâu sau khi tiền đạo này trở lại CLB chủ quản AS Roma mùa hè năm 2006.
“Cậu cần quay lại đây,” Jol nói.
Đó mới là những ngày đầu của giai đoạn tiền mùa giải. Nhưng HLV của Spurs không hề ấn tượng với màn thể hiện của bản hợp đồng mới, Dimitar Berbatov. Ông muốn Mido trở lại. Thậm chí, theo lời của cầu thủ người Ai Cập, Jol nói với anh rằng ông đã “mắc một sai lầm lớn khi ký hợp đồng với Berba”.
Lúc đó, đồng hương của Mido là Hossam Ghaly cũng khoác áo Tottenham và cố gắng thuyết phục anh trở lại. “Tôi nói với cậu ấy rằng Berbatov quá chậm. Mido sẽ được đá chính nếu cậu ấy trở lại,” Ghaly chia sẻ sau 14 năm, khi anh cùng Mido nhớ lại những kỷ niệm trong chương trình truyền hình The Dressing Room.
“Berbatov là một cầu thủ xuất sắc,” Ghaly nói. “Nhưng trong những ngày đầu tập luyện, nhịp độ chơi bóng của Berba rất chậm, dù không ai có thể lấy bóng từ chân cậu ấy.”
Cả hai sau đó cười phá lên, vì khi Mido ký hợp đồng dài hạn với Tottenham vào tháng 8 năm đó, anh lại lâm vào tình cảnh khác hẳn với những gì Jol đã mô tả trước đó ít tuần. “Khi tôi trở lại Tottenham, Berbatov đã biến thành (Johan) Cruyff,” Mido nói.
“Martin nói với tôi rằng tôi sẽ dễ dàng lấn lướt Berbatov. Nhưng bước vào buổi tập, Berba rê bóng, tâng bóng qua người đối thủ và đưa bóng vào góc cao. Thật khó để cạnh trạnh với Berbatov, vì cậu ấy là một cầu thủ tuyệt vời.”
Berbatov ghi 12 bàn ở Premier League trong mùa giải đầu tiên với Tottenham, còn Mido có… 1 bàn và được bán cho Middlesbrough sau đó một năm. Anh ghi thêm 15 bàn nữa trong mùa giải 2007-08, trước khi gia nhập Manchester United vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng.
Cho đến bây giờ, không cần phải nghi ngờ về 7,5 năm của cầu thủ người Bulgaria ở Anh. Nhưng thật khôi hài khi nhớ về những gì đã xảy ra với Berbatov trong những tuần đầu tiên ở Spurs.
Thích nghi trong bóng đá khó hơn người ta tưởng. Cho dù đó là một quốc gia, giải đấu, đội bóng hay vị trí mới, việc làm quen với môi trường mới không phải như những cỗ máy, cứ cắm điện là chạy. Bởi chúng ta chỉ là con người.
Các đội bóng sẽ cố gắng hết sức để khiến bản hợp đồng mới cảm thấy thoải mái. Nhưng một quốc gia khác có nghĩa là một nền văn hóa khác và cũng có thể là một ngôn ngữ khác.
Nỗi nhớ nhà cũng có những tác động nhất định. Việc chuyển đến một thế giới hoàn toàn mới ở tuổi 20, xa gia đình và bạn bè để sống cuộc đời mới là một gánh nặng tinh thần đối với một số người. Ngay cả khi họ đã vượt qua được điều đó, cần biết rằng thời gian thích ứng ban đầu của mỗi người là khác nhau.
Thay đổi giải đấu là một hình thức thích ứng khác: Cường độ, phong cách chơi bóng của giải đấu trước có thể khác hoàn toàn với giải đấu họ đến sau này. Ngay cả việc thay đổi CLB trong cùng một giải đấu cũng mang đến những câu hỏi. Bầu không khí trong phòng thay đồ như thế nào? Có bè phái nào trong đội không? Nếu có, tôi nên ở nhóm nào?