Mua sắm điên cuồng, liệu Saudi Arabia có trở thành Trung Quốc thứ hai?

Saudi Pro League (SPL) được thành lập từ năm 1976, nhưng chỉ thực sự tiến tới chuyên nghiệp vào năm 2007. Các đội bóng mạnh nhất giải đấu đã gặt hái thành công tại Champions League châu Á, đặc biệt là Al Hilal và Al Ittihad. Tuy nhiên, sẽ hơi quá nếu cho rằng khán giả bên ngoài Saudi Arabia bắt đầu chú ý đến giải đấu này.

Đó là cho đến ngày 30/12/2022, thời điểm Cristiano Ronaldo ký hợp đồng với Al Nassr. Được mệnh danh là biển quảng cáo hiệu quả nhất thế giới, siêu sao 38 tuổi đảm bảo sẽ thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu. Tất nhiên, với điều kiện họ trả cho anh hơn 200 triệu USD/năm.

Sau khi thu hút được sự chú ý của người hâm mộ, SPL tỏ ra quyết tâm duy trì điều này. Trong tháng này, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) đã nắm quyền kiểm soát 3 đội bóng kể trên và Al Ahli. Bốn đội bóng khác được giao cho các doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn.

Mục tiêu của Saudi Arabia là đưa SPL trở thành 1 trong 10 giải đấu tốt nhất trên thế giới bằng cách nâng cao chất lượng, danh tiếng và doanh thu. Một ngày sau khi kế hoạch được đưa ra, Karim Benzema, đương kim Quả bóng Vàng 2023 xác nhận rời Real Madrid để thi đấu cho Al Ittihad. Tất nhiên, anh cũng nhận số tiền tương tự như Ronaldo.

Từ đó, những tin đồn chuyển nhượng bị chi phối bởi câu chuyện ngôi sao ngoài 30 tuổi nào sẽ đến Trung Đông. Trong vài ngày qua, đã có lời đề nghị dành cho Bernardo Silva của Manchester City. Còn Ruben Neves dự kiến sẽ chuyển từ Wolves sang Al Hilal.

Tại sao Saudi Arabia lại bất ngờ chi đậm cho những tên tuổi bóng đá châu Âu?

Có một thực tế dễ nhận ra: Nền kinh tế Saudi Arabia phụ thuộc vào việc bán dầu mỏ. Điều này sẽ không tồn tại mãi mãi và họ cần đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Họ làm điều này thông qua PIF.

Thể thao là lĩnh vực Saudi Arabia đang muốn phát triển trong nước, nhất là bóng đá. Họ muốn xây dựng ngành công nghiệp giải trí của riêng mình và khai thác sự quan tâm của người dân Saudi Arabia – với 70% dân số dưới 40 tuổi – dành cho bóng đá.

Cuối cùng, Saudi Arabia muốn nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Thể thao, mà ở đây là bóng đá là cách để cụ thể hóa điều đó, giúp họ trở thành điểm đến về thể thao trong khu vực. Cần biết rằng Saudi Arabia đang chạy đua đăng cai World Cup 2030 cùng với Hy Lạp và Ai Cập.

“Họ đã để Qatar và UAE vượt lên dẫn trước, nhưng Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) đang cân bằng lại cán cân bằng những tên tuổi lớn,” James Dorsey, nhà báo từng đoạt giải thưởng và là thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông của Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

“Những khoản đầu tư lớn vào thể thao là điều hoàn toàn hợp lý. Ở một khu vực mà tôn giáo rất quan trọng, thể thao có lẽ là cách duy nhất để tương tác với các tầng lớp xã hội; đó là lý do tại sao nó sẽ luôn được các nhà cầm quyền quan tâm.

“Thể thao cũng giúp ích ở góc độ sức khỏe cộng đồng, bởi Saudi Arabia là đất nước có tỷ lệ béo phì và tiểu đường cao,” Dorsey nói.

Một Chinese Super League thứ hai?

Câu hỏi đặt ra là việc đặt cược vào SPL có phải là chiến lược đúng đắn hay không. Hay nói cách khác, liệu SPL có trở thành phiên bản thứ hai của Chinese Super League (CSL) hay không.

Sự so sánh này không phải không có lý. Mọi chuyện bắt đầu khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tham vọng tạo ra ngành công nghiệp thể thao trong nước để cạnh tranh với Mỹ, cũng như đưa Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá. Điều này đã tạo ra tiền đề cho một “cơn bão” chi tiền của các CLB.a

Nhưng sau đó, các nhà cầm quyền ở đất nước tỷ dân không muốn một lượng tiền lớn chảy ra khỏi Trung Quốc và vào túi người nước ngoài. Họ quyết định chấm dứt điều này, bằng cách đưa ra vô số quy tắc khác nhau để kiểm soát số lượng cầu thủ nước ngoài tại CSL.